Các ngân hàng thương mại cổ phần dứt khoát phải lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế tình trạng sở hữu chéo.
Việc buộc ngân hàng lên sàn niêm yết là một chủ trương đúng và cần thiết - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014.
Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, từ 41 ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) hồi cuối năm 2011, đến nay, hệ thống NH còn lại 37 NH TMCP. Sau khi NH TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết tại sàn TP.HCM vào cuối năm âm lịch, tổng cộng chỉ mới có 9 NH niêm yết trên hai sàn chứng khoán.
Giá cổ phiếu (CP) của các NH đang niêm yết trên sàn đa số đều cao hơn giá CP của những NH chưa niêm yết. Bởi đơn giản theo nhiều nhà đầu tư (NĐT), bên cạnh sự khác biệt về quy mô, chất lượng hoạt động… của từng NH cụ thể thì yếu tố tính thanh khoản cao, công khai và minh bạch về thông tin của NH niêm yết chắc chắn thu hút và tạo niềm tin cho NĐT cao hơn rất nhiều so với các NH chưa niêm yết. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá CP trên thị trường.
TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM) - nhận định: “Chúng ta chỉ mới giải quyết được một phần sở hữu chéo sau những vụ sáp nhập các NH yếu kém vừa qua. Nhưng vấn đề nợ xấu thì chưa có gì thay đổi vì đơn giản đó chỉ là phép cộng, vì tổng nợ xấu vẫn giữ nguyên. Do đó cần bắt buộc tất cả các NH đều niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc sàn giao dịch UpCom. Từ đó dưới áp lực của các NĐT, những quy định khắt khe của TTCK, bản thân các NH sẽ phải tự thay đổi tốt hơn”.
Nguồn: Tin nong.vn/pages/20140206/cac-ngan-hang-phai-len-san-de-giam-so-huu-cheo.
Mai Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét