Đổi mới thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Đột phá đổi mới từ Bộ GD-ĐT
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 các trường ĐH, CĐ diễn ra ngày 28/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, để đột phá thi cử cần thực hiện đột phá đổi mới quản lý, nhưng trước đó là đột phá đổi mới ngay từ khâu quản lý của Bộ GD-ĐT.
Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2014 đến hết năm 2016, Bộ sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị kịp phương án tự chủ tuyển sinh. Sau 2016, chủ trương tất cả các trường sẽ tự chủ tuyển sinh. Trong thời gian đó, các trường phải xây dựng đề án với các nội dung theo qui định và được dư luận đồng tình ủng hộ.
Lo ngại nhiều nhất của nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng là chất lượng đầu ra của sinh viên không đạt yêu cầu
Để thực hiện được kế hoạch này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các ĐH Quốc gia, các ĐH vùng và các trường ĐH trọng điểm cần có kế hoạch thực hiện tuyển sinh riêng sớm, thể hiện vai trò đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục ĐH. Trong năm 2014, nhóm các trường này có thể tuyển sinh riêng ở một số khoa, ngành nhất định. Những năm tiếp theo cần triển khai tuyển sinh riêng cho tất cả các ngành...
Vẫn muốn Bộ quản lý
Trước phương án tự chủ trên của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng, tự chủ là đúng nhưng các trường cần chuẩn bị đủ nhiều yếu tố cần và đủ. Trong khi phương án tuyển sinh “3 chung” trong hơn 10 năm thực hiện đã có nhiều cải tiến, bổ sung, rút ra được nhiều kinh nghiệm và triển khai ngày một tốt, được đánh giá là một kỳ thi nghiêm túc, công bằng nhất trong các kỳ thi. Do đó, trong thời gian Bộ GD-ĐT hỗ trợ tổ chức “3 chung”, nhiều trường vẫn tin tưởng vào kỳ thi này để “chọn mặt, gửi vàng”.
Lo ngại nhiều nhất của nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng là chất lượng đầu ra của sinh viên không đạt yêu cầu
Nhấn mạnh quan điểm chưa thể tách khỏi Bộ, ít nhất trong 5 năm tới vẫn cần Bộ can thiệp để tạm thời yên tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh, ông Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình cho rằng, các trường chỉ dám nghĩ tới bỏ “3 chung” khi ngành giáo dục kiểm soát được chất lượng các cơ sở đào tạo, có được hệ thống đánh giá xếp hạng công khai các trường ĐH và công tác tuyển dụng không chỉ dựa trên bằng cấp.
Đồng thời, kết quả tốt nghiệp THPT có thể tin cậy được. “Trường ĐH Quảng Bình mặc dầu trong những năm qua công tác tuyển sinh chưa được mĩ mãn nhưng không phải vì thế mà chúng tôi phải đi tìm một phương án tuyển sinh khác” - ông Hoàng Dương Hùng khẳng định.
Đại diện cho nhóm trường ngoài công lập, ông Nguyễn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung cho biết thêm: Kết quả thăm dò lựa chọn phương án tuyển sinh năm 2014 của Trường ĐH Quang Trung cũng có đến 92,86% số phiếu chọn phương án “3 chung”. Vì vậy, trường sẽ chung thủy với phương án này cho đến khi Bộ GD-ĐT thôi không tổ chức “3 chung” nữa.
Lý luận của ông Châu là: Tham gia “3 chung”, trường được Bộ GD-ĐT hỗ trợ khâu đề thi, quy chế tuyển sinh, những điều cần biết nên thuận lợi cho nhà trường trong khâu quảng bá tuyển sinh; đảm bảo chất lượng đầu vào và dồi dào nguồn tuyển…
Dứt khoát phải đổi mới tuyển sinh
Dành hơn 2 giờ để các trường có ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: Đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm và đổi mới phải chắc chắn, cẩn thận, không hấp tấp, vội vã. Giải đáp băn khoăn của một số trường khi tuyển sinh riêng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, vấn đề thi tuyển sinh rất quan trọng, nhưng không phải là duy nhất trong hoạt động đào tạo.
Bộ trưởng cũng đề nghị các trường, với kinh nghiệm, hiểu biết về các ngành nghề, lĩnh vực, thảo luận, đề xuất để tìm phương thức tuyển sinh phù hợp nhất, tạo sự chuyển biến trong quá trình đào tạo, hỗ trợ cho sự đổi mới ở bậc học phổ thông. Phương án mới cần có lộ trình, để phối hợp được với thay đổi ở phổ thông, tránh gây bất an trong xã hội. “Bộ không giới hạn hình thức thi tuyển của các trường vì chúng ta đào tạo rất nhiều ngành nghề, cung cấp cho rất nhiều đối tượng” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, để đột phá thi cử cần thực hiện đột phá đổi mới quản lý, nhưng trước đó là đột phá đổi mới ngay từ khâu quản lý của Bộ GD-ĐT. Phó Thủ tướng cho rằng, việc đổi mới, Bộ GD-ĐT cần quyết liệt nhưng cũng phải làm việc một cách hết sức trí tuệ, không chậm trễ nhưng phải hết sức khoa học và bình tĩnh bởi suy cho cùng mục đích của nền giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực.
Có nghĩa một kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường là xin được việc làm ổn định, đúng trình độ tay nghề. Ngoài ra, khi nền giáo dục, kinh tế phát triển sẽ đồng nghĩa với việc người học có quyền lựa chọn loại trường, loại hình giáo dục cho mình và xã hội sẽ chỉ trọng dụng người có trình độ thật.
+ Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Khi bỏ thi “3 chung”, Bộ GD-ĐT cần thành lập những trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chất lượng thí sinh các trường hàng năm. Các trường có thể sử dụng kết quả đánh giá thí sinh của các trung tâm này ở các cấp độ khác nhau để kết hợp với các bài thi, đánh giá của riêng trường mình. Có vậy chất lượng của thí sinh mới được đảm bảo.
+ Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Đoàn Công Vinh: Thi cử không làm thay đổi chất lượng, kiến thức vốn có của người học nhưng có tác dụng rất lớn đến phương pháp dạy và học, từ đó làm thay đổi chất lượng đào tạo. Vì vậy khi cho các trường tự chủ tuyển sinh riêng là áp dụng cách thi mới để lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành nghề của trường.
Nguồn:http://Giao-Duc/Doi-moi-thi-tuyen-sinh-DH-CDDot-pha-doi-moi-tu-Bo-GDDT/channel12/article278338/View.htm |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét